Học trực tuyến

Chiếc thuyền ngoài xa

  •   Xem: 1490
  •   Thảo luận: 0
I. Tiểu dẫn
1. Tác giả: Nguyễn Minh Châu (1930-1989)
- Nhà văn quân đội, trưởng thành trong cuộc sống chiến đấu của dân tộc.
- Quá trình sáng tác:
+ Trước 1975: khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn; ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
+ Sau 1975: đề tài thế sự, “con người đa đoan trong cuộc đời đa sự”
- Tác phẩm tiêu biểu:
+ Trước 1975: Cửa sông (tiểu thuyết, 1967), Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970), Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972)
+ Sau 1975: truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) và Bến quê (1985), đánh dấu bước chuyển vững vàng của Nguyễn Minh Châu.
- Vị trí: Một trong những nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học nước nhà.
“Người mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay” (Nguyên Ngọc).
- Một số quan niệm nghệ thuật:
+ Nguyễn Minh Châu ý thức rất sớm về xu thế tất yếu phải đổi mới văn học, mà trước nhất là đổi mới quan niệm về văn chương, về bản lĩnh và trách nhiệm của nhà văn: “Hôm nay chúng ta đang chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc, nhưng sẽ đến một ngày chúng ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, sao cho con người ngày một tốt hơn. Chính cuộc đấu tranh ấy mới là lâu dài.”
+Từ rất sớm, ông đã nhận thức được hạn chế của văn học văn học viết trong chiến tranh, để “sự kiện lấn át con người”, ông cả quyết rằng sẽ đến lúc văn học “phải viết về con người”, “trước sau con người cũng leo lên trên sự kiện để đòi quyền sống”.
+ Khi đất nước hoà bình, Nguyễn Minh Châu có điều kiện để hiện thực hoá những trăn trở đó. Ông coi “văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”.
2.Tác phẩm:
- Hoàn cảnh: viết vào 8/1983, khi đất nước đã ra khỏi chiến tranh, bước vào cuộc sống hòa bình với những biến chuyển mạnh mẽ, thực tế đời sống đó thôi thúc văn học có những bước chuyển mình theo.
- Xuất xứ: in trong tập “Chiếc thuyền ngoài xa” (1987)
-> Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu.
- Cốt truyện:
+Phùng - nhân vật chính của truyện là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo yêu cầu của trưởng phòng, anh đi về vùng biển miền Trung cách Hà Nội 600km để thực hiện bộ ảnh cho tờ lịch năm mới.
+Tại đây, Phùng đã bắt gặp một cảnh tượng thiên nhiên thơ mộng, đẹp hiếm có. Đó là hình ảnh con thuyền ngoài xa trong làn sương mờ ẩn hiện. Phùng đã có được một bức ảnh mà anh cho rằng rất "đắt giá".
+Thế nhưng, khi con thuyền ấy cập bến thì trước mặt Phùng lại là một hiện thực đáng buồn, người chồng vũ phu đang đánh vợ, đứa con vì muốn bảo vệ mẹ nên đánh lại cha của nó. Trước sự việc như vậy, Phùng thấy bất bình và tiến đến ngăn cản. Không may, Phùng bị người đàn ông đó đánh đến bị thương.
+Bạn cũ của Phùng là Đẩu – chánh án của tòa án huyện - đã mời người đàn bà ấy đến để giải quyết việc gia đình nhưng Người đàn bà không chịu bỏ chồng và kể câu chuyện về cuộc đời mình.
+Tấm ảnh Phùng chụp, mãi sau này vẫn là một tác phẩm được yêu thích. Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, Phùng đều thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy người đàn bà nghèo khổ, lam lũ ấy bước ta từ tấm ảnh rồi hòa lẫn trong đám đông.
II. Đọc – hiểu văn bản
  1. Tình huống truyện
    1. Khái quát chung
a. Khái niệm tình huống và vai trò của tình huống trong truyện ngắn
- Tình huống là một sự kiện đặc biệt của đời sống mà nhà văn đưa vào trong tác phẩm.
- Từ sự kiện đó, nhà văn đã làm sống dậy bản chất của đời sống, nhân vật bộc lộ rõ nét và tư tưởng chủ đề của tác phẩm hiện lên sáng rõ, cốt truyện được phát triển một cách tự nhiên.
b. Phân loại tình huống:

- Tình huống hành động: Chủ yếu xoay quanh hành động có tính bước ngoặt của nhân vật.
- Tình huống tâm trạng: Chủ yếu xoay quanh tâm trạng, cảm xúc có tính phát khởi, gây biến đổi của nhân vật.
- Tình huống nhận thức: Chủ yếu xoay quanh tình thế chứa đựng giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật.
1.2. Tình huống trong “Chiếc thuyền ngoài xa”                     
  a. Định danh tình huống:
Tình huống nhận thức bởi nó hướng tới bộc lộ nhận thức của nhà văn về cuộc đời, con người, nghệ thuật thông qua sự thể hiện nhận thức của các nhân vật trong tác phẩm.

b. Diễn giải tình huống:
+ Phùng là một phóng viên nhiếp ảnh và theo yêu cầu của trưởng phòng anh cần chụp một bức ảnh có cảnh bình minh trên biển. Phùng đã về vùng biển miền Trung và sau nhiều ngày tìm kiếm, anh đã phát hiện ra một cảnh đắt trời cho và nhận ra: “Bản thân cái đẹp chính là đạo đức”.
+ Nhưng ngay sau đó Phùng lại chứng kiến một sự thật tàn nhẫn: cảnh người đàn ông hàng chài đánh vợ tàn bạo, người đàn bà không kêu la cũng không chạy trốn. Sự kiện này khiến Phùng kinh ngạc và đau đớn. Từ đó anh nhận ra biết bao nghịch lí luôn tồn tại trong cuộc sống quanh mình.
+ Ở tòa án huyện, nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài, Phùng có thêm những nhận thức quan trọng về bản chất con người, về sự phức tạp của đời sống để từ đó thêm trăn trở về nghệ thuật, cuộc đời và trách nhiệm của người nghệ sĩ.
1.3. Đặc điểm của tình huống
a. Tình huống bất ngờ:
-> Sự bất ngờ đến từ chính những phát hiện của nhân vật Phùng
-Sau nhiều ngày kiếm tìm và chọn lựa, Phùng bất ngờ chứng kiến một cảnh đẹp tuyệt vời – cảnh bình minh nơi cửa biển với không gian phóng khoáng, thi vị:
+Một chiếc thuyền in một nét mơ hồ trong bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.
+ Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. + Một cảnh đẹp thực đơn giản và toàn bích, từ đường nét, ánh sáng đều hài hòa và đẹp.
->Phùng gọi là cảnh đắt trời cho mà có lẽ là Phùng sẽ không gặp lại lần thứ hai trong cuộc đời cầm máy của mình.
- Tâm trạng của Phùng: bối rối, xúc động, “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Vẻ đẹp của khung cảnh ấy đã đem đến cho Phùng một niềm hạnh phúc ngỡ ngàng, đây là cội nguồn cảm hứng sáng tạo trong anh: anh liên tiếp nhấn máy để thu vào trong ống kính máy ảnh cái khoảnh khắc trong ngần của ngoại cảnh. Đó cũng là cơ sở cho suy tưởng của anh về cái đẹp. Tại thời điểm đó, Phùng đã nhận ra “cái đẹp là đạo đức”. Cái đẹp không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, kích thích sáng tạo mà còn có khả năng thanh lọc tâm hồn.
-Nhưng ngay chính ở nơi Phùng vừa phát hiện ra cảnh đẹp khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong anh thì lại xảy ra một sự thật bất ngờ. Trước mắt Phùng là hiện thực cuộc sống trần trụi đến khốc liệt, đau đớn: một gã đàn ông đang đánh đập vợ mình dã man. Đối diện với trận đòn roi của chồng, người đàn bà miền biển không thanh minh, không van xin, không chối bỏ, “không chống trả” cũng “không tìm cách chạy trốn”.
-Phùng bất ngờ: bởi anh vừa trải qua giây phút thăng hoa trong niềm say mê sáng tạo đã ngay lập tức phải chứng kiến cảnh bạo hành gia đình dã man mà anh không thể ngờ rằng nó vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện tại. Phùng đã từng tham gia chiến tranh, anh và các đồng đội của mình đã cầm súng để bảo vệ con người nên anh không thể chấp nhận cách hành xử độc ác của người đàn ông kia. Đó là lí do để anh có hành động bộc phát: quăng chiếc máy ảnh – phương tiện sáng tạo nghệ thuật của mình để chạy tới đánh gã đàn ông, bảo vệ người đàn bà yếu đuối.
-Ở tòa án huyện, cả Phùng và Đẩu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi nghe câu chuyện của người đàn bà:
Phùng và Đẩu mang tâm lí của những người tự coi mình là ân nhân, cả hai xuất hiện để giúp đỡ, chở che cho người đàn bà bất hạnh, giúp chị ta thoát khỏi bi kịch gia đình. Nhưng cả hai đã vô cùng bất ngờ khi người đàn bà từ chối sự giúp đỡ. Chị không nghe theo lời khuyên của Phùng và Đẩu, lại một mực van xin quý tòa đừng bắt mình bỏ gã đàn ông. Sự việc này khiến Phùng vừa kinh ngạc, vừa khó hiểu đến mức anh cảm thấy căn phòng đang lồng lộng gió biển, bỗng bị hút hết không khí và trở nên ngột ngạt.
+Phùng và Đẩu còn bất ngờ hơn khi nghe lời giải thích, thanh minh của người đàn bà. Trước đó thôi mụ còn nhún nhường thái quá, rụt rè, khép nép nay bỗng trở nên bạo dạn, tự tin. Cả cách xưng hô cũng thay đổi từ chỗ xưng con với quý tòa chuyển sang xưng chị và các chú.
-> Qua câu chuyện của người đàn bà, Phùng và Đẩu nhận ra những phẩm chất đẹp đẽ như những hạt ngọc ẩn giấu trong con người mụ. Người đàn bà tưởng chừng vô tri gỗ đá lại là người có lòng vị tha, có đức hi sinh vì chồng, vì con; tưởng rằng tăm tối, u mê thực chất lại sâu sắc và thấu trải lẽ đời. Người đàn bà ấy có những nhận thức rất sâu về bản thân, về chồng, con và cuộc sống. Vì vậy, mụ như dạy cho Phùng và Đẩu – những người trí thức những bài học về cuộc đời khiến Phùng và Đẩu không thể tiếp tục nhìn mụ bằng cái nhìn thương hại như trước.
b. Tình huống nghịch lí:
*Nghịch lí trong nghệ thuật
-Cả một tập thể nghệ sĩ say mê tâm huyết lăn lộn hàng tháng trời để khám phá, sáng tạo nhưng khi người trưởng phòng lựa chọn ảnh làm bộ lịch thuyền và biển thì những tác phẩm có trong tay vẫn không đủ để tạo ra bộ ảnh hoàn chỉnh. Vì vậy mới có chuyến đi của nghệ sĩ Phùng về vùng biển miền Trung chụp cảnh biển buổi sáng có sương mù. Như vậy, dù người nghệ sĩ có cố gắng, có nỗ lực bao nhiêu, say mê, tâm huyết bao nhiêu trong sáng tạo  thì vẫn chưa đủ để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống.
-Bức ảnh của Phùng thu được cũng chứa đựng trong nó đầy nghịch lí. Tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, Phùng luôn nhìn thấy màu hồng hồng của ánh sương mai. Lạ hơn nữa, tuy rằng đây là tranh phong cảnh nhưng nếu nhìn lâu hơn anh vẫn thấy bóng dáng người đàn bà bước ra từ con thuyền hòa vào đám đông. Từ đây, nhà văn gửi gắm thông điệp sâu sắc: chỉ khi người nghệ sĩ trải nghiệm, khám phá, đào xới vào những tầng sâu của đời sống mới phát hiện ra những điều mà mắt thường chưa chắc đã nhận ra. Và chỉ có sự gắn bó bằng tâm thế của người trong cuộc mới giúp người nghệ sĩ rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống và nghệ thuật.
* Nghịch lí trong cuộc sống:
-Nghịch lí giữa khát vọng, nhu cầu của con người với thực tế đời sống:
+Người đàn bà hàng chài luôn mong muốn một cuộc sống bình yên êm ấm nhưng mụ phải đối mặt với bi kịch gia đình khi thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ tàn nhẫn.
+Dù thương con, muốn bảo vệ con, tránh cho chúng bị tổn thương khi phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ song mụ vẫn khiến đứa con mụ thương yêu phải đau lòng.
-Nghịch lí giữa tình cảm đạo đức và hành vi trái đạo đức:
+ Thằng Phác vì thương mẹ, muốn bênh vực và bảo vệ mẹ nhưng do non nớt trong nhận thức, bồng bột trong hành động mà xông vào đánh bố, thậm chí đòi cầm dao đâm bố. Thằng bé vốn là chỗ dựa, là niềm an ủi cho mẹ nó nhưng hành động của nó giờ đây lại như nhát dao đâm vào lòng người đàn bà khiến mụ đớn đau – nỗi đau đớn bội phần nỗi đau thể xác mà mụ gánh chịu.
-Nghịch lí giữa lòng tốt và hành động thiếu thực tế:
+ Phùng và Đẩu muốn giúp đỡ, bênh vực, chở che cho người đàn bà nhưng do giải pháp không phù hợp nên họ đành bất lực. Những việc làm của họ không thực sự giúp ích cho người đàn bà kia bởi họ chỉ mới nhìn nhận câu chuyện của mụ bằng cái nhìn của người ngoài cuộc, lòng tốt của họ không đi liền với hành động thiết thực bởi với người đàn bà lúc này, điều cần thiết là phải thoát khỏi đói nghèo, túng quẫn.
c. Tình huống tạo bước ngoặt trong nhận thức
-> Những nghịch lí bất ngờ mà Phùng chứng kiến đã khiến anh không còn tiếp tục nhìn đời, nhìn người một cách đơn giản. Anh đã nhận ra:
- Cuộc sống không chỉ chứa đựng những vẻ đẹp mà còn có cả những sự thật tàn nhẫn và những mối quan hệ phức tạp.
- Cuộc sống không hoàn toàn như những gì ta thấy ở lớp vỏ bề ngoài, muốn hiểu bản chất cuộc sống phải nhìn bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều.
- Phải nhìn cuộc sống, con người bằng cái nhìn của người trong cuộc. Hãy khoan dùng lí trí để xét đoán mà phải dùng lòng vị tha, sự cảm thông, bởi cuộc đời vốn phức tạp, con người thì đa đoan giữa cuộc đời đa sự, có những điều mà chúng ta không thể giải thích bằng cách nhìn nhận hay đánh giá thông thường.
 1.4. Ý nghĩa của tình huống
Tình huống truyện độc đáo đã giúp Nguyễn Minh Châu gửi gắm những thông điệp về cách nhìn đời, nhìn người của người nghệ sĩ; giúp nhà văn khắc họa thành công thế giới nhân vật trong tác phẩm, tạo điều kiện cho cốt truyện phát triển tự nhiên, hấp dẫn.
 
Thông tin bài học
Mục tiêu bài học: Giúp học sinh:1. Về kiến thức: - Cảm nhận được suy nghĩ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh khi phát hiện ra sự thật: đằng sau bức ảnh rất đẹp về chiếc thuyền trong sương sớm mà anh tình cờ chụp được là số phận đau đớn của người phụ nữ và bao ngang trái trong một gia đình làng chài. Từ đó thấu hiểu: mỗi người trong cõi đời, nhất là người nghệ sĩ, không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người. - Hiểu được đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm: thấy được vẻ đẹp của văn xuôi Nguyễn Minh Châu, tình huống truyện độc đáo, giọng văn nhỏ nhẹ, đôn hậu mà thấm thía.2. Về kĩ năng: Đọc hiểu truyện ngắn hiện đại theo đặc trưng thể loại; rèn kĩ năng tự đọc, tự học một cách chủ động, sáng tạo.3. Về thái độ: Bồi đắp tình yêu con người; có cái nhìn đa diện và sâu sắc về cuộc đời và con người. 4. Năng lực: Phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực cảm thụ thẩm mĩ...
Chiếc thuyền ngoài xa
Thuộc chủ đề:
Học liệu số
Gửi lên:
06/09/2022
Lớp:
Lớp 12
Môn học:
Ngữ văn
Xem:
1.490
Tải về:
Thông tin tác giả
Nguyễn Hương Quỳnh, Trịnh Văn Quỳnh
Họ và tên:
Nguyễn Hương Quỳnh, Trịnh Văn Quỳnh
Đơn vị công tác:
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về bài giảng này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá bài giảng

  Ý kiến bạn đọc

Thiết kế bài giảng điện tử 2021
Học và làm theo Bác
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây